Cổng trục là một thiết bị nâng hạ được sử dụng rất nhiều trong các nhà xưởng, kho bãi, khu công nghiệp. Sau đây là các bước lắp đặt cổng trục đúng cách và đảm bảo an toàn.
Chuẩn bị trước khi lắp đặt cổng trục
Kiểm tra vị trí lắp đặt
Bước đầu tiên trước khi lắp đặt cổng trục là kiểm tra vị trí lắp đặt. Nơi lắp đặt cổng trục phải đảm bảo có đủ không gian thể thiết bị hoạt động an toàn. Không có các vật cản trên cao như dây điện hoặc cành cây.
Chuẩn bị các công cụ, thiết bị cần thiết
Trước khi lắp đặt cổng trục, các bộ phận, thiết bị, chi tiết của cổng trục phải được tập kết đầy đủ tại nơi lắp đặt. Các thiết bị hỗ trợ lắp đặt cần thiết như: cần cẩu, máy hàn, thang, xe nâng, … phải được chuẩn bị đầy đủ. Các nhân sự phụ trách lắp đặt như các kỹ sư, thợ điện, thợ hàn, thợ lắp máy,… phải có mặt để thực hiện lắp đặt thiết bị nhanh chóng, đúng kỹ thuật.
Các bước lắp đặt cổng trục
Bước 1: Lắp đặt đường ray cổng trục
Khi đã chọn được vị trí lắp đặt cổng trục, bước tiếp theo lắp đặt đường ray cổng trục. Ray cổng trục sẽ được lắp đặt trên nền móng bê tông. Nếu cổng trục được lắp đặt ngoài trời hoặc nơi không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật thì phải xây thêm phần này. Phần nền móng bê tông cho đường ray cổng trục phải đủ sâu, chắc chắn để hỗ trợ trọng lượng của cổng trục và trọng lượng của hàng hoá mà thiết bị sẽ nâng hạ.
Bước 2: Lắp đặt cơ cấu di chuyển
Sau khi lắp đặt xong đường ray, phần cơ cấu di chuyển sẽ được đặt lên đường ray. Sau đó, dầm biên được lắp đặt vào cơ cấu di chuyển và cố định bằng bu lông.
Bước 3: Lắp chân cổng trục
Sau khi dầm biên được lắp đặt vào đúng chỗ, các chân cổng trục sẽ được tiến hành lắp vào dầm biên. Chân cổng trục phải được căn chỉnh sao cho khớp với vị trí lắp đặt của dầm biên, các đinh vít phải đặc bắt vít chắc chắn. Chân cổng trục được điều chỉnh sao cho vuông góc với dầm biên.
Bước 4: Lắp đặt dầm chính
Để lắp đặt dầm chính, cần phải sử dụng cần cẩu để cẩu dầm chính đặt lên chân cổng trục. Sau đó, các bu lông, ốc vít sẽ được sử dụng để liên kết dầm chính và chân cổng trục với nhau.
Khi lắp đặt, cần kiểm tra xem chân cổng trục và dầm chính có cân bằng hay không và thực hiện điều chỉnh nếu cần.
Đảm bảo các bu lông liên kết được siết chặt để tránh cổng trục bị lắc lư hoặc di chuyển.
Bước 5: Lắp đặt palang/ xe con
Pa lăng đầm đôi hoặc xe con sẽ được cần cẩu đặt lên dầm chính.
Bước 6: Lắp đặt các thiết bị điện
Bước cuối cùng trong việc lắp đặt cổng trục là lắp đặt hệ thống điện. Điều này liên quan đến việc kết nối các bộ phận điện của cổng trục với nhau. Như động cơ, bộ điều khiển, cơ cấu nâng hạ,… với nguồn điện. Đảm bảo rằng các bộ phận của cổng trục đều hoạt động bình thường.
Nối dây: Bước đầu tiên là nối dây cho các bộ phận điện của cổng trục. Đi dây điện từ các bộ phận khác nhau của cổng trục đến tủ điện.
Kiểm tra hệ thống: Sau khi đi dây xong, cần kiểm tra hệ thống điện để đảm bảo các bộ phận, thiết bị đều hoạt động bình thường.
Điều chỉnh: Cuối cùng, khi hệ thống điện đã được lắp đặt và kiểm tra. Cần thực hiện điều chỉnh lần cuối để cổng trục có thể hoạt động với hiệu suất cao nhất.
Kiểm tra và thử tải
Thực hiện kiểm tra trực quan
Trước khi bắt đầu bất kỳ quy trình kiểm tra nào, phải tiến hành kiểm tra trực quan toàn bộ hệ thống cổng trục. Bao gồm kiểm tra tất cả các bộ phận chuyển động, dây điện, dây cáp, palang, xe con,.. để đảm bảo các thiết bị được lắp đặt đúng vị trí, các ốc vít/ bu lông được siết chặt.
Thử tải cho cổng trục
Bước tiếp theo liên quan đến việc tiến hành kiểm tra thử tải để đánh giá khả năng nâng hạ của cổng trục. Bắt đầu bằng cách gắn vật nặng thử (thường là một thùng chứa đầy nước) vào móc, sau đó từ từ nâng hạ vật nặng lên khỏi mặt đất cho đến khi móc ở độ cao tối đa của cổng trục. Giữ tải tại chỗ trong vài phút để đảm bảo rằng mọi thứ đều ổn định và an toàn.
Kiểm tra chức năng dừng khẩn cấp
Trong trường hợp khẩn cấp, người vận hành cổng trục có thể thực hiện dừng ngay lập tức mọi chuyển động của cổng trục bằng cách sử dụng nút dừng khẩn cấp. Kiểm tra chức năng này bằng cách nhấn nút dừng khẩn cấp và đảm bảo rằng tất cả chuyển động của cần trục dừng hẳn khi nhấn nút.
Tiến hành chạy thử không tải
Tiến hành chạy thử không tải để kiểm tra các chuyển động và tốc độ của cổng trục khi không có bất kỳ tải nào kèm theo. Nâng móc cẩu lên độ cao tối đa, sau đó di chuyển xe con hoặc palang của cổng trục qua lại. Điều này cho phép kiểm tra độ chính xác của các chuyển động của cổng trục và đảm bảo rằng không có chuyển động giật cục hoặc không đều.
Kiểm tra hệ thống bảo vệ quá tải
Hệ thống bảo vệ quá tải là một tính năng an toàn cần thiết giúp ngăn không cho cổng trục nâng tải vượt quá khả năng quy định của thiết bị. Để kiểm tra hệ thống này, gắn một vật nặng có trọng lượng nhiều hơn khả năng nâng hạ được thiết kế của cần trục vào móc. Hệ thống bảo vệ quá tải sẽ tự động kích hoạt và ngăn không cho cổng trục nâng tải.
Kiểm tra công tắc giới hạn
Công tắc giới hạn là tính năng an toàn có vai trò ngăn không cho cổng cẩu di chuyển quá nhanh theo bất kỳ hướng nào. Kiểm tra các công tắc giới hạn bằng cách di chuyển từ từ móc cẩu về mỗi đầu của phạm vi hành trình cho phép. Chuyển động của cần trục sẽ tự động dừng khi nó đi hết phạm vi của nó.
Kiểm tra hệ thống điện
Cuối cùng, hãy kiểm tra hệ thống điện để đảm bảo rằng tất cả các kết nối điện của thiết bị đã chính xác và bảng điều khiển của cổng trục hoạt động đúng các chức năng. Kiểm tra các thao tác điều khiển của điều khiển từ xa hoặc cabin để đảm bảo rằng tất cả các chuyển động đều trơn tru và chính xác.